image banner

image advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementanh tin baiimage advertisementimage advertisementimage advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 97 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM ( 21/6/1925 - 21/6/2022)
Lượt xem: 709

 

Bác Hồ với tờ báo làm công tác địch vận

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác địch vận. Năm 1948, Người nói: “Đánh mà thắng địch là giỏi. Không đánh mà thắng địch càng giỏi hơn. Không đánh mà thắng là nhờ địch vận”. Do đó, Người đã rất quan tâm đến tờ báo “Bạn chiến đấu” (Waffenbrüder) - một tờ báo được viết bằng tiếng Đức và tiếng Pháp do Đảng và Nhà nước ta chỉ đạo cho ông Erwin Borchers (người Đức, lính lê dương Pháp bỏ ngũ về với ta) thực hiện, dùng để kêu gọi những người lính lê dương từ bỏ con đường phục vụ cho thực dân Pháp.

anh tin bai

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu lịch sử

Vì sao có tờ báo “Bạn chiến đấu”?

Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945), nước Pháp không che giấu tham vọng trở lại Đông Dương. Tuy nhiên, do tiềm lực quân sự của Pháp bị Đức Quốc xã phá hủy trong thời gian bị chiếm đóng (1941-1944) nên nước này đã sử dụng đến lính lê dương bên cạnh quân đội Pháp và lính từ các thuộc địa Bắc Phi.

Lính lê dương là những người nước ngoài đánh thuê cho Pháp. Đội quân này ra đời vào năm 1831 và tồn tại cho đến ngày hôm nay. Theo thống kê, từ năm 1946 đến năm 1954, 72.833 sĩ quan và binh lính lê dương đã tham chiến tại chiến trường Đông Dương.

Tuy nhiên, khi thấy được sự ác ôn của thực dân Pháp, nhiều người lính lê dương đã bỏ ngũ để theo về với Việt Minh. Năm 1947, Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Pháp Paul Coste Floret đã yêu cầu Chủ tịch Hồ Chí Minh trao trả những lính lê dương đã đào ngũ và tham gia Việt Minh nhưng Người khước từ bất chấp mọi lời đe dọa.

Trong số đó có Erwin Borchers (người Đức), lính lê dương Pháp gia nhập Việt Minh sớm nhất từ năm 1945. Sau khi gia nhập Việt Minh, ông tham gia công tác tại tờ báo “Dân chúng” (Le Peuple) xuất bản bằng tiếng Pháp với nội dung phục vụ cho công tác địch vận.

Sau đó, khi Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19/12/1946), ông phụ trách công tác địch vận với đối tượng chủ yếu là lính lê dương gốc Đức và các lính lê dương gốc Châu Âu. Vì số người Đức trong đội quân lê dương Pháp lên đến hàng vạn nên Đảng và Nhà nước ta chỉ đạo ông và các cộng sự tiến hành viết bài, ấn hành tờ báo “Bạn chiến đấu” (Waffenbrüder) bằng tiếng Đức và tiếng Pháp.

Thực hiện chỉ thị của cấp trên, ông đã viết nhiều bài cho tờ báo với bút danh “Chiến sĩ”. Báo in ra liền được giao cho du kích mang rải xung quanh đồn địch để kêu gọi các người lính lê dương gốc Đức và kể cả các người lính lê dương có nguồn gốc Châu Âu từ bỏ con đường phục vụ cho thực dân Pháp.

Thư gửi báo “Bạn chiến đấu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

anh tin bai

Báo “Bạn chiến đấu” (Waffenbrüder). Ảnh: Tư liệu lịch sử

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chia sẻ: “Kinh nghiệm của tôi thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm”[1] và Người nhấn mạnh “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”[2].

Để góp ý kiến về hình thức và nội dung nhằm giúp tờ báo “Bạn chiến đấu” có thể tranh thủ được cảm tình của độc giả là những người lính lê dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi báo “Bạn chiến đấu” (10/2/1948). Trong bức thư, Người viết:

“Các bạn thân mến,

Rất cảm ơn các bạn về những số báo của Bạn chiến đấu. Đây là một vài ý kiến nhỏ đề nghị với các bạn: tờ báo này dành cho những người lính lê dương, những chàng trai vui tính, dễ cáu kỉnh, dễ cảm xúc chứ không phải là những người làm chính trị sâu sắc.

Bởi vậy, cần có những bức tranh, những bức vẽ khôi hài, những gì làm cho họ vui cười, những tin tức ngắn về nước Đức và nước Pháp – đặc biệt là những tin tức có liên quan đến đời sống của nhân dân (như không đủ lương thực tiếp tế, đình công, sự phiền nhiễu của các cơ quan cai trị…).

Nói tóm lại, cần làm cho họ cảm động, thoải mái, làm cho họ cười và khóc để lôi cuốn họ về phía chúng ta.

Không nên viết những bài dài.

Không nên viết những vấn đề chính trị lớn đương thời.

Các bạn nghĩ thế nào?”

Sau đó vài tháng, phóng viên báo “Bạn chiến đấu” đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Báo “Cứu quốc” số 938 ngày 25/5/1948 chi nhánh số 6 in tại Liên khu X đã đăng lại bài trả lời của Người.

- Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch ghét gì nhất?

- Trả lời: Ðiều ác.

- Hỏi: Chủ tịch cầu mong gì nhất?

- Trả lời: Nền độc lập của nước tôi và của tất cả các nước trên hoàn cầu.

- Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch sợ cái gì nhất?

- Trả lời: Chẳng sợ cái gì cả. Một người yêu nước không sợ gì hết và nhất thiết không được sợ gì.

Năm 1950, báo “Bạn chiến đấu” đổi tên thành báo “Trở về” để tăng cường kêu gọi các người lính lê dương từ bỏ con đường phục vụ cho thực dân Pháp. Năm 1951, Hội nghị Địch vận phổ biến phương châm vận động lính Âu - Phi tranh đấu là “đòi hồi hương và hòa bình ở Việt Nam”, coi đó là khẩu hiệu trung tâm.

Do đó, theo thống kê, trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), 1.373 lính lê dương và 288 lính Pháp bỏ ngũ sang với Việt Minh. Nhiều người trong số đó đã có những đóng góp không nhỏ trong các ngành chỉ huy, tham mưu, kỹ thuật, huấn luyện, quân y, quân giới, tuyên truyền... của cách mạng ta.

Cuối tháng 2/1954, ông Erwin Borchers đến Điện Biên Phủ cùng đội tuyên truyền địch vận của ông. Họ đã thả truyền đơn và dùng loa kêu gọi các lính lê dương cũng như các đơn vị lính Bắc Phi hạ vũ khí.

Với chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sau đó kết thúc thắng lợi. Các tờ báo lớn nhất thế giới đồng loạt đưa tin về thắng lợi “vang vọng năm châu, chấn động địa cầu” này. Trong đó, tạp chí Time của Mỹ số ra ngày 22/11/1954 viết rằng đây là “chiến công của một quân đội một nước châu Á đánh bại những kẻ từng là “ông chủ” của họ từ châu Âu tới”.

“Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, lực lượng Việt Minh đã có được một quân đội chiến đấu trong rừng có hiệu quả nhất Đông Nam Á, có vị tướng tài ba nhất Đông Nam Á là Võ Nguyên Giáp, có một tổ chức chính trị vững chắc nhất do Hồ Chí Minh đứng đầu và có trình độ lãnh đạo lão luyện” – tạp chí Time nhận định tiếp.

Đồng chí William Foster, Chủ tịch Đảng Cộng sản Mỹ, đã viết trên “Công nhân nhật báo” ra ngày 10/5/1954 như sau: “Quân đội Hồ Chí Minh phá tan được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một sự kiện có ý nghĩa rất lớn. Thất bại này không những chỉ là thất bại thảm hại của riêng thực dân Pháp, một kẻ đã cố liều mạng để âm mưu xâm chiếm đất nước Đông Dương giàu đẹp mà trước hết là thất bại lớn lao của kế hoạch chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ,… Thắng lợi ở Điện Biên Phủ là một sự cổ vũ vô cùng to lớn cho các lực lượng đang đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, đồng thời sự phát triển ở Đông Dương trong giai đoạn gần đây đã thúc đẩy và làm tăng cường phản kháng các chính sách khống chế tàn bạo của Mỹ ở các nước tư bản khác…”.

anh tin bai

Ông Erwin Borchers (người Đức), lính lê dương Pháp gia nhập Việt Minh sớm nhất từ năm 1945. Ông và các đồng chí của mình đã làm báo “Bạn chiến đấu” (Waffenbrüder) để vận động lính lê dương Pháp về với hàng ngũ Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp.

Những người lính lê dương Pháp trở thành Chiến sĩ “Việt Nam mới”

Chiến sĩ “Việt Nam mới” là những người nước ngoài tình nguyện tham gia hàng ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Trong số đó có cả những người lính lê dương Pháp bỏ ngũ về với cách mạng. Dưới đây là hai chiến sĩ “Việt Nam mới” tiêu biểu.

anh tin bai

Ông Kostas Sarantidis tức Nguyễn Văn Lập - Anh hùng Lực vũ trang nhân dân (áo trắng) cùng đồng đội xưa ở Liên khu V chụp ảnh lưu niệm với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Tư liệu lịch sử.

Ông Kostas Sarantidis (Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân):

anh tin bai

Ông Kostas Sarantidis (bên phải) cùng đồng đội trong hàng ngũ “Bộ đội Cụ Hồ”. Ảnh: Tư liệu lịch sử.

Từ một lính lê dương từng tin vào lời lừa phỉnh của bọn thực dân Pháp rằng sang Đông Dương để “giải phóng” các xứ ở đây khỏi phát xít Nhật, vào tháng 6/1946, ông Kostas Sarantidis (sinh năm 1927 tại Hy Lạp) đã đi theo về hàng ngũ “Bộ đội Cụ Hồ”.

Sau này, ông nhớ lại: “Sang đến nơi mới biết bị lừa. Chả thấy người Nhật đâu. Thay vào đó là được lệnh đi bắn nhau với Việt Minh! Chúng tôi là người dân từng bị đô hộ gần 400 năm, từ người trẻ đến già có ai muốn đánh nhau, đi xâm chiếm ai đâu”.

Trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954), với tên Việt Nam là Nguyễn Văn Lập, ông được Đảng và Nhà nước ta giao làm nhiều công việc trong các đơn vị quân chính quy Liên khu 5, có mặt trong nhiều trận chiến đấu ác liệt ở miền Trung.

Khi được điều về làm tổng giám thị Trại tù binh Âu Phi số 3 ở Quảng Ngãi, ông đã làm tốt công tác giáo dục, làm cho họ hiểu rõ chính nghĩa của Việt Nam chống xâm lược và chính sách nhân đạo của chính phủ kháng chiến.

Ba năm sau khi tham gia kháng chiến chống Pháp, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau hiệp nghị Genève năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc làm Trung đội trưởng Trung đội cung tiêu ở sân bay Gia Lập, làm lái xe tải ở các mỏ than Na Dương, mỏ thiếc Cao Bằng, làm phiên dịch cho chuyên gia Cộng hòa dân chủ Đức ở Nhà máy in Tiến Bộ.

Năm 1965, ông cùng gia đình trở về Hy Lạp, nơi ông còn có một mẹ già đang sống. Ông tham gia Đảng Cộng sản Hy Lạp và hoạt động vun đắp mối quan hệ Hy Lạp – Việt Nam. Năm 2013, ông được Đảng và Nhà nước ta tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Ông Stefan Kubiak (người vinh dự mang họ Bác Hồ):

anh tin bai

Stefan Kubiak (người Ba Lan), Đại uý Quân đội Nhân dân Việt Nam Hồ Chí Toán. Trước đó ông từng là lính lê dương Pháp bỏ ngũ sang với Việt Minh. Ảnh: Tư liệu lịch sử

Từ hàng ngũ lính lê dương Pháp, ông Stefan Kubiak (sinh năm 1923, người Ba Lan) đã đứng trong hàng ngũ “Bộ đội Cụ Hồ” khi nhận ra bản chất ác ôn của thực dân Pháp.

Sau khi về với cách mạng, ông được phân công phụ trách một đơn vị pháo. Với những tính toán chính xác, ông đã cùng đơn vị lập được nhiều chiến công. Với những đóng góp của mình vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam, ông được vinh dự mang họ Bác Hồ: Hồ Chí Toán.

Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi (7/5/1954), ông phục vụ một thời gian nữa trong quân đội rồi chuyển công tác sang báo Quân đội nhân dân và Đài tiếng nói Việt Nam. Ông mất năm 1963 tại Hà Nội.

                                                                                         Nguồn Theo Báo Nghệ An

 

Cơ quan chủ quản: Xã Xuân Kiên- Huyện Xuân Trường
Địa chỉ: Xã Xuân Kiên - Huyện Xuân Trường - Tỉnh Nam Định
Email: xaxuankien.xtg@namdinh.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang